Trong dịp Tết Nguyên Đán, mỗi vùng miền lại có một mâm cỗ riêng mang những nét đặc trưng. Nếu như trong mâm cỗ ở miền Bắc không thể vắng bóng dưa hành, giò chả, nem chua thì ở miền Trung lại không thể thiếu tôm chua, dưa món…Ngoài ra, món ăn cổ truyền ngày Tết ở Việt Nam không chỉ đa dạng mà còn có cách trình bày rất phong phú và đẹp mắt. Hãy tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Những món ăn cổ truyền là thứ không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán
Trong bài viết này
1. Việt Nam – đất nước có nền văn hóa ẩm thực nổi tiếng
Nền văn hóa về ẩm thực luôn là một niềm tự hào lớn của cả dân tộc mà trong đó có cả Việt Nam. Nó không chỉ đem lại những giá trị về mặt vật chất mà có chứa đựng những giá trị về tinh thần. Nhắc đến Việt Nam, một quốc gia có nền văn hóa ẩm thực nổi tiếng thì không thể không nhắc đến những nét riêng biệt của từng vùng miền, hãy theo chân Beto khám phá các đặc trưng về món ăn cổ truyền của quê hương bạn nhé!
1.1. Ẩm thực Việt Nam ngày xưa
Từ xa xưa, văn hóa ẩm thực ở Việt Nam đã có cho mình nhiều nét đặc trưng riêng tùy theo mỗi vùng miền với những món ăn và hương vị khác nhau. Nhìn chung, đặc trưng mà ta có thể dễ dàng thấy được trong ẩm thực ngày xưa đó là thói quen ăn nhạt, nêm nếm ít gia vị.
Trong mỗi món ăn truyền thống luôn có sự kết hợp của nhiều loại gia vị và người ăn có thể thưởng thức được đầy đủ hương vị chua, cay, mặn, ngọt được hòa quyện với nhau một cách tinh tế. Một nét đặc trưng nữa khiến rất nhiều thực khách yêu mến và thích thú với ẩm thực Việt đó chính là tính cộng đồng được thể hiện rất rõ nét trong mỗi mâm cơm với những món ăn cổ truyền ngày tết.
Đặc trưng mà ta có thể dễ dàng thấy được trong ẩm thực ngày xưa đó là thói quen ăn nhạt, nêm nếm ít gia vị
Bên cạnh đó, ngoài việc dùng chén, đũa riêng để ăn cơm thì các món ăn, nước chấm đều được sử dụng chung, thể hiện sự hòa nhã, thân thiện và hiếu khách vốn có của người Việt. Đây cũng chính là nét đặc trưng truyền thống vẫn được gìn giữ từ xưa và vẫn hiện hữu đến thời nay và là một niềm tự hào của người Việt khi nhắc tới văn hóa ẩm thực.
1.2. Ẩm thực Việt Nam ngày nay
Với sự phát triển không ngừng của thế giới, ẩm thực Việt Nam ngày càng được biến hóa, sáng tạo và tiếp thu những mới mẻ từ quốc tế nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống. Những món ăn được chú trọng hơn về mặt trình bày nhằm đem lại sức hấp dẫn cho người thưởng thức. Ngoài ra, giá trị cũng như các thành phần dinh dưỡng trong món ăn cũng là sự biến đổi mới khi mọi người dần tập trung vào nó nhiều hơn.
Khi cuộc sống ngày càng tiên tiến, nhu cầu con người ngày càng tăng cao thì ẩm thực nói chung và các món ăn cổ truyền nói riêng sẽ không chỉ ăn no mà còn chứa đựng đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, đáp ứng tiêu chí ngon và sạch sẽ vì nó sẽ đem lại cho chúng ta một cơ thể khỏe mạnh, một sức khỏe tốt và tinh thần tràn đầy năng lượng.
Món ăn được chú trọng hơn về mặt trình bày nhằm đem lại sức hấp dẫn cho người thưởng thức
2. Những món ăn cổ truyền ngày tết bạn không nên bỏ lỡ
Dịp Tết Nguyên đán 2022 sắp tới chắc hẳn là khoảng thời gian để mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ sau một năm khó khăn. Vì thế, mâm cỗ ngày Tết cần phải được chuẩn bị đầy đủ và thịnh soạn để đem lại cảm giác ấm no, hạnh phúc và may mắn cho một năm mới thành công, phát đạt. Nội dung dưới đây Beto xin chia sẻ các món ăn cổ truyền ngày tết ở Việt Nam để các bạn tham khảo nhé.
2.1. Các món ngon ngày Tết ở miền Bắc
Trong nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội từ xa xưa vẫn luôn chuộng nhiều về mặt hình thức, vì thế mâm cơm ngày Tết cần phải được chuẩn bị đẹp mắt và công phu. Trong một mâm cỗ lớn thì phải có 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa mang nghĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài.
2.1.1. Bánh chưng
Bánh chưng là món ăn cổ truyền có nguồn gốc lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực ở Việt Nam. Trong mâm cỗ của người miền Bắc sẽ không thể thiếu sự hiện diện của món ăn này. Bánh chưng là biểu tượng cho mặt đất, nơi con người sinh ra, được dùng để bày tỏ lòng biết hơn đối với ông cha ngày xưa và đất trời đã ban tạo cuộc sống cho con người.
Sự kết hợp vô cùng khéo léo và hài hòa giữa hạt nếp dẻo, vị bùi của đậu xanh, thịt mỡ béo ngậy cùng bị cay nhẹ của tiêu đã tạo nên hương vị không thể lẫn vào đâu được trong ngày Tết. Khung cảnh ngồi chờ đợi những nồi bánh chưng chín và đợi bước sang năm mới luôn làm thổn thức trái tim của người con miền Bắc mỗi dịp Tết đến Xuân về.
2.1.2. Xôi gấc
Theo các quan niệm từ xưa của ông cha ta thì màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc lứa đôi. Vì thế trong những ngày lễ hoặc đặc biệt là ngày Tết thì chắc chắn phải có một đĩa xôi gấc.
Xôi gấc là món ăn được nấu từ hạt gạo nếp ngon dẻo được trộn với gấc tươi trước khi cho vào nồi hấp. Sau khi chín thì xôi sẽ có màu đỏ cam vô cùng hấp dẫn và đẹp mắt, người ăn sẽ cảm nhận được rõ vị dẻo thơm của gạo nếp cùng với vị béo khi ăn kèm với nước cốt dừa.
Người Việt Nam có thói quen dùng đũa để gắp thức ăn trong mỗi bữa ăn và đó cũng là nét truyền thống văn hóa độc đáo
2.1.3. Dưa hành, củ kiệu
Trong mâm cơm ngày tết của người Việt có rất nhiều món ăn ngon từ cao lương mĩ vị cho đến những món vô cùng giản dị, dân dã, không thể không nhắc đến đó chính là món dưa hàn, củ kiệu muối chua. Món ăn này tuy đơn giản nhưng lại chiếm vị trí đặc biệt trong danh sách các món ăn cổ truyền việt nam.
Vị chua ngọt cùng với vị cay nhẹ của món ăn này rất thích hợp khi ăn kèm với bánh chưng, bánh tét hoặc thịt đông. Đây được xem là món ăn chống ngán vô cùng hữu hiệu mà gia đình nào cũng có trong dịp Tết. Cho dù cuộc sống có luôn thay đổi nhưng chắc chắn rằng, bánh chưng và dưa hành sẽ luôn là món ăn đồng hành trong những ngày Tết của dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, ngày Tết miền Bắc còn được biết đến với các món ăn truyền thống khác như giò thủ, thịt đông, nem chua rán, thịt gà luộc,…
2.2. Các món ngon ngày Tết ở miền Trung
Nếu như người miền Bắc đón xuân về với cành đào hồng, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành thì ở miền Trung, mọi người cũng náo nức đón Tết với cành mai vàng thắm, bánh tét, thịt giấm,…
2.2.1. Bánh tét
Bánh tét ở Việt Nam mang ý nghĩa là sự hội tụ của đất trời và cũng là một trong những món ăn truyền thống không thể nào thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người miền Trung. Nếu miền Bắc có bánh chưng được gói ghém bằng lá dong thì bánh tét miền Trung được gói bằng những chiếc lá chuối.
2.2.2. Dưa món
Nếu như ngày Tết ở miền Bắc có dưa hành củ kiệu thì ở miền Trung lại có dưa món. Món ăn này được kết hợp từ nhiều nguyên liệu khác như cà rốt, củ cải, đu đủ,…tạo nên vị ngon không thể chối từ trong mâm cơm ngày Tết.
Mặc dù có vẻ đơn giản nhưng để làm ra món ăn đầy màu sắc và hương vị tốn rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ của những người làm ra nó. Vài lát bánh tét dẻo mềm ăn kèm cùng với dưa món chua ngọt, giòn giòn sẽ đem đến cho người ăn cảm giác lạ miệng rất khó quên trong ngày Tết.
Ngoài ra, ở miền Trung bạn còn có thể thấy những món ăn cổ truyền và mang đậm hương vị khác như chả bò, tôm chua, thịt ngâm nước mắm,…
Khám phá nét riêng trong mâm cỗ ngày tết ở miền Trung.
2.3. Các món ngon ngày Tết ở miền Nam
Miền Nam được coi là vùng có nền kinh tế khá phát triển và nền văn hóa đa dạng do có sự du nhập của nhiều dân tộc ở nhiều nơi đến sinh sống và làm việc.
2.3.1. Thịt kho hột vịt
Món ăn truyền thống nhất đối với người dân miền Nam có thể kể đến chính là món thịt kho hột vịt nước cốt dừa. Món ăn này còn có tên gọi khác như thịt kho rệu. Bên cạnh việc chuẩn bị nấu các nồi bánh tét thì ở các hộ gia đình trong những ngày giáp Tết còn chuẩn bị thêm nồi thịt kho nước dừa. Món ăn này cực kỳ hấp dẫn và ngon miệng, Bạn có thể ăn kèm món này với dưa muối chua hoặc dưa giá cũng cực kỳ đưa cơm đấy.
2.3.2. Bánh tét
Trong khi món bánh tét ở miền Trung được làm từ các nguyên liệu đơn giản, truyền thống thi bánh tét miền Nam đã được “cải tiến” hơn nhiều với bánh tét nhân mặn và nhân ngọt. Bánh tét nhân mặn thì ngoài nguyên liệu truyền thống là thịt mỡ và đậu xanh còn có thêm trứng muối, lạp xưởng để tạo thêm nhiều hương vị khác nhau.
Bánh tét nhân ngọt được phổ biến với các loại nhân như nhân chuối, đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh,…Bánh tét miền Tây nam bộ có hình thức rất bắt mắt và được gói vuông vức, khéo léo. Một trong số những địa danh nổi tiếng với bánh tét thập cẩm không thể không nhắc đến đó là Trà Vinh với món bánh tét Trà Cuôn nổi tiếng.
2.3.3. Canh khổ qua
Trong mỗi gia đình miền Nam thì món canh khổ qua nhồi thịt là món ăn khá quen thuộc, được sử dụng trong ngày Tết với ý nghĩa được mọi người tin rằng là đẩy lùi những khó khăn đã qua. Hơn nữa, món canh này còn là món ăn bổ dưỡng giúp giải nhiệt cơ thể trong những ngày Tết ăn uống nhiều món chiên, xào dầu mỡ không tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, ngày tết ở miền Nam còn có sự xuất hiện của các món ăn truyền thống khác như chả giò, dưa giá, lạp xưởng, canh măng khô,…
Hướng dẫn cách nấu 9 món ăn trong ngày tết miền Nam cổ truyền.
Vừa rồi là những món ăn cổ truyền ngày Tết vô cùng đa dạng và phong phú ở các vùng miền riêng biệt. Hy vọng bạn sẽ có thêm nhiều gợi ý tham khảo để nấu cho gia đình những món ăn thật ngon miệng và lạ mắt trong dịp tết 2022 sắp đến nhé!
Nguồn tham khảo:
- tienphong.vn
- Limody.vn
- Vn.trip.vn