Khi nói đến việc theo dõi chi tiêu, có thể có nhiều phương pháp khác nhau để thực hiện điều đó. Có thể bạn tò mò về nguồn tiền của mình đang đi đâu, số tiền đó có sử dụng cho một mục đích cụ thể hay không, bạn muốn giải quyết khoản nợ của mình một lần và mãi mãi. Dù lý do của bạn là gì, sau đây là những quy tắc quản lý tài chính cá nhân để giúp bạn bắt đầu.
Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng ai cũng phải có để đảm bảo chi tiêu cho cuộc sống
Trong bài viết này
1. Vì sao cần quản lý tiền bạc?
Tương tự như các doanh nghiệp, mỗi người cần phải biết cách quản lý tài chính của mình. Nếu không có khả năng tự quản lý các nguồn thu nhập, chi tiêu sinh hoạt, đầu tư, tiết kiệm,… thì bạn rất dễ gặp rủi ro trong cuộc sống hàng ngày. Vậy thì tài chính cá nhân là gì và vì sao phải quản lý vấn đề về tài chính cá nhân?
1.1. Tài chính cá nhân là gì?
Tài chính cá nhân gắn liền với các vấn đề tài chính chung như chi phí, thu nhập, đầu tư và tiết kiệm. Hoặc bạn cũng có thể hiểu tài chính cá nhân là cách sử dụng tiền một cách có hiệu quả. Vừa giúp bạn sống thoải mái vừa tránh được những rủi ro không đáng có trong cuộc sống hàng ngày.
1.2. Tại sao phải quản lý tài chính cá nhân?
Quản lý tài chính có tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống mỗi người. Quản lý tốt tài chính làm giảm thiểu rủi ro mà bạn có thể gặp phải trong cuộc sống, mang đến cho bạn và gia đình sự tự do về tài chính. Khi đó, bạn sẽ sống một cuộc sống hài lòng mà không phải lo lắng về áp lực tiền bạc.
Khoản tiền dự phòng là rất quan trọng cho bạn và gia đình. Khoản tiền đó giúp bạn chủ động về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra những sự việc không lường trước được như tai nạn hoặc bệnh tật. Vì vậy, việc lập kế hoạch và nắm chắc quy tắc quản lý tài chính cá nhân là điều rất quan trọng và mang lại sự an tâm cho bạn và những người thân yêu xung quanh.
Quản lý tiền bạc có hiệu quả, giúp bạn đảm bảo sự tự do, hạnh phúc cho chính bạn và gia đình
2. Vấn đề gen Z đang gặp phải khi quản lý tiền bạc?
Thế hệ gen Z là cụm từ dành cho cho những người sinh từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010. Hiện nay thế hệ gen Z đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn khi quản lý tiền bạc. Đó là gì? Mời bạn xem qua 5 ý sau:
2.1. Gen Z sở hữu quá nhiều thiết bị hiện đại (điện thoại/laptop/máy tính bảng…)
Hầu như mỗi bạn gen Z đều có một chiếc smartphone để sử dụng cá nhân. Tận dụng cơ hội này, nhiều doanh nghiệp sử dụng quảng cáo trên điện thoại để tạo cảm hứng mua sắm cho người dùng. Nếu không biết cân nhắc sản phẩm nào cần thiết để mua thì gen Z sẽ khó tiết kiệm hay quản lý tài chính cá nhân.
2.2. Nhiều bạn gen Z không chủ động xin việc
Hiện nay có rất nhiều công việc part-time phù hợp với gen Z như phục vụ, viết lách, giao hàng,… những công việc này có thể giúp các bạn gen Z cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, các bạn lại không chủ động nắm bắt những cơ hội này để làm việc, dẫn đến các bạn phải đối mặt với khó khăn trong chi tiêu hàng ngày.
2.3. Các bạn gen Z dành quá nhiều thời gian vui chơi giải trí
Công nghệ tiên tiến dẫn đến có nhiều gameshow, chương trình phát sóng trên tivi, youtube thu hút sự quan tâm của các bạn gen Z. Thậm chí có bạn dành gần như cả ngày chỉ để xem những chương trình đó. Bạn nghĩ sao nếu dành nửa ngày để bắt tay làm một công việc mang lại nguồn thu nhập nhỏ cho bản thân thay vì chỉ xem những video giải trí?
2.4. Những khoản nợ từ việc mua sắm không cân nhắc
Với sự tiếp thu và học hỏi khá nhanh, thế hệ gen Z dễ dàng trở thành một tay săn sale chuyên nghiệp. Thế nhưng, việc mua sắm những sản phẩm không cần thiết, chạy theo xu hướng sẽ dẫn đến những khoản nợ xấu từ thẻ tín dụng. Các bạn sẽ cảm thấy áp lực vì phải cố gắng kiếm thật nhiều tiền để trả dứt những khoản nợ đó. Vậy nên, học cách quản lý tiền bạc là một kỹ năng cần thiết mà bạn gen Z nào cũng phải có.
2.5. Chưa tận dụng những công cụ quản lý chi tiêu
Với sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của ngành CNTT thì hiện nay có rất nhiều APP nhắc nhở, quản lý chi tiêu ra đời. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên APP STORE và tải về điện thoại để tận dụng triệt để những tính năng này. Thời đại công nghệ số lên ngôi, việc chủ động tìm tòi học hỏi là vô cùng cần thiết cho các bạn gen Z.
Hiểu rõ những vấn đề gây ra áp lực tài chính cá nhân, lập một bảng kế hoạch chi tiêu hợp lý sẽ giúp bạn giải quyết nhanh chóng.
3. Tư duy quản lý tiền bạc hiệu quả
Bạn đang gặp khó khăn trong việc cân bằng tiền kiếm được và tiền sinh hoạt? Bạn cảm thấy việc cố gắng tiết kiệm tiền đang gây áp lực cho cuộc sống hàng ngày của mình? Nếu bạn cảm nhận như vậy, hãy xem 6 gợi ý về tư duy quản lý tiền bạc sau đây. Khi áp dụng đúng cách, bạn không chỉ trang trải được chi phí sinh hoạt mà còn tiết kiệm được cho tương lai, bạn sẽ luôn cảm thấy hài lòng trong cuộc sống.
6 tư duy quản lý tiền bạc người trẻ nên có từ blogger Sunhuyn
3.1. Quản lý từng chi tiêu nhỏ nhất
Nếu bạn đang là một nhân viên văn phòng thì những buổi hẹn đi ăn hay uống nước sau giờ làm là điều không thể tránh khỏi. Bạn có bao giờ nghĩ sẽ từ chối một cách khéo léo lời mời từ đồng nghiệp hoặc chỉ ưu tiên những cuộc hẹn quan trọng? Chú ý đến những việc chi tiêu nhỏ nhất này sẽ giúp bạn quản lý tiền bạc và chi tiêu hợp lý.
3.2. Tránh mua những sản phẩm quảng cáo
Bạn là một người săn sale chuyên nghiệp, thế nhưng bạn có tự hỏi những sản phẩm mua từ những đợt giảm giá có hữu ích hay chăng? Hạn chế xem quảng cáo và lập danh sách những món đồ thiết yếu vừa giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả cũng như giúp nhà cửa không bề bộn.
3.3. Quy tắc 10%
Giả sử bạn là người có thu nhập 10.000.000 triệu đồng / tháng nhưng bạn chỉ mua một đôi giày có giá tầm 1.000.000 đồng. Vậy là bạn đã sử dụng đúng cách quy tắc 10% rồi đấy. Việc cân nhắc mua sắm phù hợp thu nhập đang có là một điều vô cùng cần thiết trong việc quản lý tiền bạc cá nhân.
Chọn ra những khung giờ cụ thể, ghi chép, lập kế hoạch để quản lý những khoản chi dù nhỏ nhặt nhất.
3.4. Tận dụng những thứ miễn phí
Công ty bạn đang làm sắp có chính sách trợ cấp tiền ngoại ngữ cho những ai có chứng chỉ quốc tế? Bạn cảm thấy khó khăn trong việc lựa chọn khóa học cấp tốc? Bạn có nghĩ đến việc sẽ dành từ một đến hai tiếng mỗi ngày tự học ngoại ngữ không? Tận dụng những thứ miễn phí, thoáng đọc có vẻ khá hình dung nhưng bạn đang tận dụng khả năng tự học của chính bản thân.
3.5. Mở rộng các nguồn thu nhập
Bạn là một nhân viên văn phòng chuyên về IT nhưng bạn cũng có năng khiếu về chụp ảnh. Bạn chưa biết áp dụng quy tắc quản lý tài chính cá nhân như thế nào? Bạn cũng có thể tận dụng khả năng này của mình để hợp tác với những quán cà phê, người nổi tiếng chụp ảnh vào cuối tuần để cải thiện thu nhập.
3.6. Đừng quan niệm có nhiều tiền là sẽ luôn sướng
Không ai phủ nhận vai trò của tiền tệ, tuy nhiên nếu chỉ mải mê chăm chỉ kiếm tiền, thắt chặt chi tiêu và quản lý tiền bạc không hiệu quả thì bạn sẽ vô cùng áp lực. Bạn có thể nghĩ rộng hơn rằng, mình làm một công việc phù hợp năng lực, thu nhập chưa phải cao nhưng chi tiêu hợp lý, bạn vẫn hài lòng cuộc sống vốn có.
Nắm chắc quy tắc quản lý tài chính cá nhân, hài lòng về chất lượng cuộc sống đang có sẽ giúp bạn luôn hạnh phúc.
Ngoài việc nắm rõ những quy tắc quản lý tài chính cá nhân trên, để làm cho việc lập ngân sách trở nên dễ dàng và thú vị hơn, bạn có thể sử dụng những công cụ tính toán ngân sách để hướng dẫn bạn khi bạn tạo ngân sách cá nhân hoặc cho hộ gia đình của mình. Công cụ tính toán ngân sách đưa ra các đề xuất và cảnh báo cho bạn nếu có vẻ như bạn đang chi quá nhiều tiền cho bất kỳ lĩnh vực nào trong khoản tài chính của mình. Hy vọng sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ có thêm được những quy tắc quản lý phù hợp cho tài chính cá nhân của mình nhé.
Nguồn tham khảo:
- nomoredebts.org
- timo.vn